Katie Lê, du học sinh trường James Cook University (Brisbane) và những tâm sự về trải nghiệm làm thêm ở một nhà hàng Việt Nam tại Úc.
Trong suốt 5 tiếng đồng hồ, tôi phải di chuyển liên tục, chân mỏi rã rời. Kết thúc buổi training đầu tiên, tôi được thông báo là sẽ được làm chính thức nhưng ngày đầu training không được trả tiền! Mệt và ấm ức nhưng tôi đã tự xoa dịu mình rằng cũng may là có việc làm, xem như hôm nay đi làm tình nguyện. Công việc nhiều nhưng được cái vợ chồng ông bà chủ cũng không đến nỗi quá…ghê gớm.
Tính đến nay thì tôi đã làm ở đó được gần 4 tuần, công việc cũng dần đi vào guồng và tiến độ cũng nhanh hơn hẳn. Quan trọng là khi về nhà tôi cũng cảm thấy đỡ mệt hơn mấy bữa đầu dù công việc có khi còn nặng hơn vào cuối tuần. Tôi không biết ở nhà mọi người đi làm thêm như thế nào, chứ bên này, tôi thấy “khâm phục” mấy người chủ ghê vì dường như lúc nào họ cũng biết cách tạo ra công việc cho nhân viên của mình.
Những lúc có khách thì không nói, khi không có thì có thêm một loạt công việc không tên chờ sẵn. Nào là lau cái tủ lạnh (dù lau xong thì hơi lạnh tỏa ra lại làm nó mờ y như khi chưa lau), nào là lau cái cửa kính, nào là rửa mấy cái khay đựng gia vị (dù sáng nào dọn bàn tôi cũng đã lau sạch sẽ), nào là pha cái này, sửa cái kia… Khủng khiếp nhất là mấy buổi tối vắng khách, tôi được giao nhiệm vụ vào lau mấy bức tường khu vực nấu nướng. Bao giờ xịt nước khử trùng lên những bức tường dính đầy dầu mỡ đó tôi cũng sẽ phải chịu đựng một cái mùi chỉ làm tôi muốn ói. Chà xong được mấy cái bức tường đó thì tay tôi cũng dính y một lớp mỡ.
Ở đây, Sở Môi trường sẽ đến và kiểm tra hai tuần một lần, nếu không sạch sẽ và bị phát hiện không đạt tiêu chuẩn thì quán có thể sẽ bị đóng cửa tạm thời để dọn dẹp, khi họ kiểm tra lại đạt yêu cầu thì mới được tiếp tục kinh doanh. Tôi nghe ông chủ kể, có một quán ăn do nhân viên không biết và đổ dầu thừa ra cống nên đã bị phạt những 20.000AUD!
Nói chung thì công việc của tôi vẫn còn dễ thở dù nó có hơi vất vả, bù ông bà chủ cũng dễ tính và mấy cô làm cùng thì rất là tốt, cơ bản cũng vì tiền lương cũng khá nên tôi vẫn sẽ tiếp tục hành trình làm thêm này. Tuy nhiên một số người bạn của tôi thì lại không được may mắn lắm. S, ông anh học cùng lớp cũng là nhân viên phục vụ ở một cửa hàng Việt Nam khác thì gặp phải ông bà chủ khó tính. Tuần rồi anh ấy còn bị ăn chặn tiền lương vì lý do không cung cấp mã số thuế (trong khi đa số những công việc trả bằng tiền mặt thì không cần phải cung cấp cái này). T, nhỏ bạn tôi tối hôm trước mới đi training về, tối đó nó kể lại cho tôi nghe về việc mà nó phải làm, nghe xong tôi cũng muốn choáng theo luôn. Chuyện là T bị buộc phải thuộc lòng những hơn 100 món ăn và hơn 20 loại nước, phải học cách rót các loại rượu vang, cách viết order rồi cách hướng dẫn khách dùng một số món… mà bà chủ thì vô cùng khó tính, rất hay bắt lỗi. Thế là sau buổi training đầu, cô nàng quyết định từ biệt luôn công việc đó. Mấy ông anh học bên QUT mà tôi quen thì làm công việc khuân vác ở chợ trời. Làm 24h từ chiều hôm thứ 7 tới chiều Chủ Nhật, công việc nghe nói cũng khá vất vả, nhưng nghe mấy anh kể là được ăn ngon, có cafe uống, lương ổn và bà chủ khá là tốt – bà chủ thậm chí còn cho mang rau về ăn.
Tóm lại thì làm thêm bán thời gian là công việc mà hầu như du học sinh ai cũng phải trải qua. Nhưng tôi vẫn luôn nhắc nhở mình rằng mục tiêu chính khi sang đây vẫn là học, nên tốt nhất là chỉ nên làm điều độ để vẫn đảm bảo sức khỏe và học tốt.
QUỐC TỊCH
Việt Nam
TRÌNH ĐỘ HỌC VẤN
Cử nhân ngành Quốc tế học, Đại học ngoại ngữ Đà Nẵng
TIỂU SỬ
Katie Le đã theo học chương trình Thạc sĩ Quốc tế du lịch và Quản lý khách sạn tại Đại học James Cook, khu học xá Brisbane